Gỗ lũa được hiểu là phần lõi cây cứng nhất của các gốc cây cổ thụ khi cây đã chết. Để có được gỗ lũa, cây cổ thụ đã bị đổ ngã và chết lâu năm, phần gốc cây này phải trải qua thời gian và các quá trình tự nhiên tác động như chôn sâu dưới lòng đất, ngâm trong bùn nước hay chịu mưa chịu gió, từ đó, phần vỏ và thịt của gốc cây đã mục nát hết, phần vỏ gỗ bị những tác động trên tiêu hủy, chỉ còn trơ lại phần lõi cây cứng nhất. Phần lõi của gốc cây này không bao giờ bị mối mọt, trước những tác động của mưa nắng cũng không bị mục nát.
Theo nhiều người chơi gỗ lũa và chuyên tìm kiếm gỗ lũa, gỗ lũa thường được tìm thấy ở dưới sâu lòng đất, bị ngâm ở khe, sông, suối, bị dòng nước chảy qua làm cho mòn đi hoặc do gió thổi tạo thành những đường vân gỗ rất đẹp.
Tuy nhiên, không phải gỗ của mọi loại cây đều có thể làm được gỗ lũa, gỗ lũa thường chỉ có ở những cây gỗ tốt, quý hiếm hay sống lâu năm, qua quá trình tác động mới trơ lại lõi (xương) gỗ. Các cây như lim, xà cừ,... rất khó để tạo thành gỗ lũa, do chỉ cần phơi nắng gỗ sẽ nứt nẻ hoặc ngâm nước gỗ sẽ bị mục nát.
Sau khi người ta đi tìm và xác định được những gốc cây có thể đem về làm gỗ lũa, với những khúc cây cổ thụ đã nằm sâu dưới lòng đất, người khai thác lại rất vất vả để có thể đào lên và cố gắng giữ nguyên bản những phần rễ ăn sâu dưới đất, hay với những bộ rễ ngâm trong nước, cuốn quanh những phiến đá bên bờ sông, suối, họ phải rất khéo léo và kiên trì gỡ ra chứ không nóng vội chặt đứt. Bởi chính những bộ rễ đó làm nên vẻ đẹp tự nhiên của gỗ lũa, là những chi tiết tạo cho mỗi sản phẩm gỗ lũa một cái hồn riêng, nét độc đáo riêng. Không có bộ rễ hay gốc cây nào giống hệt nhau, dưới tác động của thiên nhiên cũng tạo nên những hình hài khác nhau, thế nên mỗi sản phẩm gỗ lũa là độc nhất, không thể sản xuất đại trà. Vì thế, mỗi gốc lũa đều có vẻ đẹp riêng biệt, tùy con mắt nghệ thuật của từng người đánh giá, mà mang giá trị khác nhau.
Gỗ lũa khi mang về nếu còn tươi thì phải được phơi khô, thậm chí nếu vẫn còn bị mối xông thì phải ngâm nước hoặc chôn dưới đất mấy tháng cho mối xông hết, còn trơ lõi để làm lũa, còn không thì người thợ sẽ đến xưởng rửa hết bùn đất, gọt hết những phần mục nát bám quanh. Những lũa đã được tuyển chọn sẽ qua con mắt của nghệ nhân, còn gọt tỉa tỉ mỉ, cẩn thận tạo hình và giữ nguyên hết đường nét tự nhiên của gốc cây, cành cây. Người nghệ nhân làm gỗ lũa không những cần phải có tay nghề thợ mộc mà còn phải có con mắt thẩm mỹ cao, trí tưởng tượng phong phú để thổi hồn vào từng gốc lũa thành tạo hình thấm đẫm chất nghệ thuật.
Giá trị của từng gốc lũa phụ thuộc chính vào chất gỗ quý hiếm, nhiều loại gỗ có chứa dầu thơm như đinh hương, gù hương,... có giá trị cao vì việc tìm kiếm khó khăn. Và phải kể đến bàn tay tỉ mỉ khéo léo và óc tạo hình của nghệ nhân vào từng gốc lũa cũng khiến cho khúc cây trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị.